Kỹ thuật đặt sonde dạ dày thường được dùng đối với những bệnh nhân mất khả năng ăn uống bằng đường miệng hoặc bị bệnh về dạ dày. Phương pháp này có vai trò lớn trong việc duy trì sự sống và cho bệnh nhân uống thuốc. Vậy đặt ống sonde dạ dày như thế nào mới là đúng kỹ thuật? Chúng tôi sẽ chia sẻ một trong những kiến thức Y tá – điều dưỡng này qua bài viết dưới đây.
Tìm hiểu về kỹ thuật đặt sonde dạ dày
Kỹ thuật đặt sonde dạ dày được hiểu đơn giản là phương pháp đặt ống thông vào dạ dày để cung cấp thức ăn, theo dõi bệnh và hút dịch cho người bệnh. Phương pháp này được sử dụng khi người bệnh không có khả năng ăn uống bằng miệng.
Chỉ định
Đặt ống sonde dạ dày chỉ định trong các trường hợp sau:
- Nghi ngờ lao phổi ở trẻ em.
- Các trường hợp chướng bụng sau mổ.
- Các bệnh về dạ dày như viêm loét, ung thư dạ dày tá tràng.
- Bệnh nhân có nguy cơ bị dạng đường tiêu hóa, ăn bằng đường miệng khiến bệnh nhân có nguy cơ suy hô hấp, ngạt thở.
- Bệnh nhân phải rửa dạ dày do bị ngộ độc.
Mục đích
Đặt sonde dạ dày được thực hiện với mục đích sau:
- Cung cấp thức ăn nuôi dưỡng bệnh nhân khi họ bị hôn mê, bất tỉnh, không có khả năng ăn uống bằng đường miệng hoặc không tiêu hóa hiệu quả.
- Lấy dịch dạ dày làm xét nghiệm trong chẩn đoán viêm loét đường tiêu hóa, xét nghiệm dịch dạ dày.
- Giảm áp lực của hơi, dịch ứ đọng trong dạ dày cho người bệnh sau khi phẫu thuật dạ dày, giúp giảm chướng bụng và làm cho người bệnh dễ chịu hơn.
- Kiểm tra lượng máu trong dạ dày để theo dõi chảy máu dạ dày hoặc bệnh chảy máu dạ dày tái phát.
- Bơm rửa, làm sạch dạ dày trong trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm, ngộ độc thuốc trừ sâu.
Một số kiến thức khác về điều dưỡng có thể bạn quan tâm:
Kỹ thuật đặt sonde dạ dày
Kiểm tra y lệnh
Điều dưỡng cần đọc y lệnh từ hồ sơ để thẩm định được các vấn đề sau:
- Mục đích của kỹ thuật và các yêu cầu liên quan.
- Phương thức thực hiện kỹ thuật.
- Thời gian tiến hành.
- Loại ống sonde sử dụng.
Nhận định người bệnh
- Điều dưỡng cần quan sát người bệnh về tuổi tác, tình trạng sức khỏe hiện tại.
- Hỏi người bệnh về chấn thương liên quan đến vùng mũi, miệng.
- Thử độ thông mũi bằng cách đặt lưng bàn tay vào sát lỗ mũi người bệnh, hướng dẫn người bệnh một tay đè một bên mũi và thở ra.
- Quan sát độ lớn hoặc chướng của vùng bụng.
Chuẩn bị dụng cụ
Điều dưỡng cần chuẩn bị các dụng cụ sau đây:
- Khăn sạch, gạc miếng, giấy quỳ, cây đè lưỡi.
- Ống thông mũi dạ dày một nhánh hay hai nhánh cỡ thích hợp.
- Chất trơn.
- Giấy lau miệng, bồn hạt đậu.
- Ly uống nước được, khăn bông lớn, vải sao su.
- Kim băng cố định ống.
Tiến hành
Đặt ống sonde bằng đường mũi
- Đưa ống vào mũi người bệnh một cách từ từ, đẩy ống thẳng góc với mặt.
- Khi ống vào đến họng, gập đầu bệnh nhân vào ngực, tiếp tục đẩy ống thông và bảo người bệnh nuốt để ống đi theo nhịp nuốt.
- Khi đầu ống thông sonde vào đến dạ dày sẽ có thức ăn và dịch chảy trong lòng ống.
Đặt ống sonde bằng đường miệng
- Đưa ống thông vào miệng bệnh nhân một cách từ từ. Khi ống đến họng, bảo người bệnh nuốt để ống đi theo nhịp nuốt.
- Đầu ống chạm đến dạ dày sẽ có dịch hoặc thức ăn chảy trong lòng ống.
Đặt ống sonde bằng đèn đặt nội khí quản
- Luồn ống qua lỗ mũi của người bệnh, đến họng sau đó dùng đèn đặt nội khí quản xác định vị trí của thực quản.
- Dùng kẹp gắp đầu ống thông đưa vào lỗ thực quản đồng thời đầy phần ngoài ống vào dạ dày của bệnh nhân.
- Tương tự như hai phương pháp trên, điều dưỡng kiểm tra nếu thấy có dịch hoặc thức ăn chảy trong lòng ống nghĩa là đầu ống đã vào đến dạ dày.
Kiểm tra
- Sau khi đặt ống, điều dưỡng tiến hành kiểm tra dịch vị và thức ăn có chảy trong lòng ống thông hay không. Nếu có, chứng tỏ đầu ống đã đến được dạ dày.
- Điều dưỡng đặt ống nghe ở vùng thượng vị của người bệnh, dùng bơm 50ml bơm vào ống sẽ nghe thấy tiếng lọc sọc ở vùng thượng vị chứng tỏ ống sonde được đặt đúng chỗ.
Lưu ý khi đặt sonde dạ dày
Dưới đây là một số lưu ý cần thiết khi đặt ống sonde dạ dày.
- Khi có dịch trong lòng ống, rút dịch và thử trên giấy quỳ sẽ biết chính xác 100% ống đã đặt đúng trong dạ dày hay chưa.
- Phải kiểm tra cẩn thận sau khi đặt ống, chắc chắn đầu ống đã được đặt ở dạ dày mới tiến hành bơm thức ăn.
- Khi bơm thức ăn, điều dưỡng tiến hành nhẹ nhàng, từ từ nhưng phải đều tay và liên tục để tránh bọt khí.
- Nên thay ống sonde dạ dày 5-7 ngày một lần. Mỗi lần thay nên đổi bên lỗ mũi cho bệnh nhân.
- Khi cố định ống sonde phải đảm bảo có một khoảng cách để bệnh nhân cử động, tránh chèn ép mạnh lên cánh mũi gây hoại tử.
- Theo dõi cẩn thận dịch tồn lưu trong dạ dày sau mỗi lần cho bệnh nhân ăn, uống. Nếu dịch vượt quá 100ml điều dưỡng phải báo cáo với bác sĩ để có phương án xử lý.
Đặt ống thông sonde dạ dày là phương pháp phổ biến hiện nay giúp các bệnh nhân không có khả năng ăn uống vẫn duy trì được sự sống và sức khỏe. Những thông tin chúng tôi vừa chia sẻ hy vọng sẽ giúp nhiều điều dưỡng nắm vững và thực hiện đúng cách kỹ thuật đặt sonde dạ dày.
Xem thêm: Du học nghề ngành điều dưỡng tại Đức – cơ hội du học miễn học phí ngành điều dưỡng dành cho bạn